NHÃN THỰC PHẨM: ĐỌC CHƠI CHO BIẾT

 

Friday, April 29, 2016

NHÃN THỰC PHẨM: ĐỌC CHƠI CHO BIẾT

http://luukhamhung.blogspot.com/2016/04/nhan-thuc-pham-oc-choi-cho-biet.html

Thông tin trên nhãn thực phẩm vừa kín vừa hở. Hở nhiều hơn kín. Hở vì phải “show hàng” theo luật định, nhưng nhiều khi hở quá sự thật. Kín có chút xíu, nhưng hiểm. Người ta công bố sao, mình biết vậy. Biết vậy mà không phải vậy, nhưng ít ra cũng có dấu hỏi trong đầu, ghi vào bộ nhớ những nhãn hàng chứa thông tin thiếu minh bạch.

Hạn sử dụng: Mua thực phẩm thì thông tin này phải chú ý trước tiên, nhất là hàng nhập khẩu. Hàng sắp hết date thường có giá rẻ bất ngờ. Nên nhớ, thực phẩm xuống cấp theo thời gian (mức dinh dưỡng kém đi), dù chưa hỏng.

Thành phần: Nhìn vào rối rắm, chỉ cần xem vài loại phụ gia mà người dùng có thể bị mẫn cảm, như bột ngọt, sulfite (dễ gây dị ứng đối với người bị suyễn). Bột ngọt thường được khai là chất điều vị (621). Sulfite tùy loại sử dụng, có mã số từ 220 -228.

Thông tin dinh dưỡng (Nutrition Facts)


Hình bên là thông tin dinh dưỡng trên nhãn của một thực phẩm đang lưu hành trong nước

- Serving size (108g) : mỗi phần ăn là 108 g
- Servings per container 1 : Số lượng phần ăn trong túi là 1.
- Amount per serving : Số liệu trong mỗi phần ăn (nếu số lượng phần ăn có trong túi là 4, và bạn định ăn hết 4 phần, thì phải nhân với 4)
- Calories 450 – Calories from fat 180 : phần ăn này cung cấp 450 Cal, trong đó 180 Cal do chất béo cung cấp. Khuyến cáo về dinh dưỡng cho rằng lượng Cal từ chất béo chỉ nên khoảng 20% so với Cal “ăn” vào (trẻ em và thiếu niên có thể cao hơn tới 35%). Như vậy đồ ăn này có quá nhiều chất béo, nên là 90 Cal thay vì 180.

Các tính toán đều dựa trên nhu cầu của một người bình thường là 2.000 Cal (thanh thiếu niên và lao động chân tay có thể tới 2.500 Cal hoặc hơn). Các nhà dinh dưỡng khuyến cáo lượng chất béo ăn vào mỗi ngày nên ít hơn 65g, trong số này chất béo no ít hơn 20g. Còn cholesterol nên ít hơn 300 mg. Sodium (natri), chủ yếu có từ muối cũng nên ít hơn 2.400 mg, tương đương với 6 gr muối. Những con số khuyến cáo này toàn xài chữ “ít hơn”, nghĩa là ăn càng ít càng tốt.

Trở lại thí dụ với gói thực phẩm 108g ở trên

% Daily Value: Phần trăm “hạn ngạch” tiêu thụ mỗi ngày.

- Total Fat 20g – 31%: tổng lượng chất béo trong gói đồ ăn này là 20g, tương đương với 31% lượng chất béo tối đa có thể ăn vào là 65g/ngày. Nói cách khác, “quota” xài chất béo trong ngày của bạn chỉ còn 45g (hay 79%). Bao thực phẩm này có nhiều chất béo là vì thế.
- Saturated fat 8g – 40%: trong số 20 gr chất béo của gói đồ ăn, có 8g chất béo no, chiếm 40% “quota” được phép (20g). Chất béo no là chất béo có hại cho tim mạch, ăn càng ít càng tốt. Chỉ với 1 gói đồ ăn, mà bạn đã xài tới 40% “quota”, thì ngày hôm đó bạn nên cẩn thận với thịt mỡ.
- Transfat 0g: Gói đồ ăn này không có chất béo trans. Transfat là chất béo có hại hơn cả chất béo no. Không ăn càng tốt.
- Cholesterol 0 mg : không có cholesterol. Có thể biết chắc gói đồ ăn này được chế biến với dầu thực vật.
- Sodium 1660mg – 69% : tương đương với 4,2 g muối. Gói đồ ăn này quá nhiều muối và bột ngọt.
- Total carbohydrate 70g – 23% : lượng carbohydrate (bột) có 70g. Cả gói thực phẩm nặng 108g, bột chiếm hết 70g (kể cả chất xơ và đường)
- Dietary fiber 4g – 16%: trong số 70g carbohydrate này, chất xơ chỉ có 4g và chỉ mới đạt 16% nhu cầu chất xơ hàng ngày. Gói này hơi bị thiếu chất xơ.
- Sugar 4g: đường 4g.
- Protein 9g : chất đạm 9g . Gói này hơi ít chất đạm. Trẻ em và thiếu niên (tuổi đang lớn) và người bệnh ăn nhiều gói thực phẩm này sẽ kém về dinh dưỡng.
- Vitamin A và C: không có.
- Khoáng calci chiếm 6% và sắt (iron)8%

Nhìn chung sự mất cân đối dinh dưỡng ở gói thực phẩm này quá rõ, chỉ toàn là bột và chất béo (quá nhiều), chất đạm ít, chất xơ lại còn ít hơn nữa. Vitamin, khoáng và sắt hầu như không đáng kể.

Bạn đã đoán ra tên của thực phẩm này rồi phải không?

Vũ Thế Thành

 

No comments:

Post a Comment